Họ Phạm Hồng Thái
Các đời

Phạm Duy (5 tháng 10 năm 1921-27 tháng 1 năm 2013)

Phạm Duy


Phạm Duy (5 tháng 10 năm 1921 – 27 tháng 1 năm 2013[2]), tên thật Phạm Duy Cẩn là nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam. Ông được nhiều người (bao gồm những nhà nghiên cứu âm nhạc) đánh giá là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam [3][4][5][6][7] với lượng sáng tác đồ sộ cũng như đa dạng về thể loại[5][8], trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên kinh điển và quen thuộc với người Việt. Nhạc của ông thường sử dụng những yếu tố nền tảng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam kết hợp với những kỹ thuật, cấu trúc của nhạc hàn lâm Tây phương, tạo nên một phong cách riêng với nhiều tác phẩm lớn có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ[9][10][11][12]. Ông cũng là người khởi xướng, định hướng nhiều trào lưu, phong cách mới mẻ cho nền tân nhạc Việt. Ngoài sáng tác và biểu diễn, ông còn có những công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị.[13] Ông từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông còn được coi như một nhà văn với 4 tập hồi ký được giới phê bình đánh giá cao về giá trị văn học lẫn giá trị tư liệu[7][14]. Với hơn 70 năm sự nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, ông được coi là "cây đại thụ" của nền âm nhạc Việt Nam[8][15][16]. Tuy vậy bên cạnh đó, các quan điểm nhìn nhận về ông cũng khác biệt, chủ yếu là do các vấn đề chính trị.[13]

Khởi đầu sự nghiệp âm nhạc trong gánh hát Đức Huy với vai trò phó quản lý và ca sĩ hát lưu động. Từng tham gia Chiến tranh Đông Dương đến năm 1951, sau đó ông rời khỏi chiến khu (đào ngũ) rồi vào miền Nam Việt Nam để hoạt động âm nhạc. Phạm Duy là tên tuổi lớn và đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực dành cho cả âm nhạc và chính trị, và những hoạt động này còn tiếp diễn sau giai đoạn 1975, khi ông di tản sang Hoa Kỳ. Vì lý do chính trị, nhạc của ông bị cấm hoàn toàn tại miền Bắc Việt Nam sau 1954, và toàn Việt Nam sau 1975[17].

Năm 2005, sau nhiều lần về thăm quê hương, ông chính thức trở về Việt Nam sống và từ đó, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được phép phổ biến lại. Tính cho tới tháng 1 năm 2014, có 244 ca khúc được cấp phép lưu hành (trong số đó có 53 ca khúc ngoại quốc do ông đặt lời Việt), trong số khoảng hơn 2000 ca khúc do ông sáng tác hoặc viết lời.[18][19].


Tiểu sử


Phạm Duy Cẩn sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 (5 tháng 9 (nhuận) năm Tân Dậu) tại Nhà hộ sinh số 40 Rue Takou (nay là Phố Hàng Cót), Hà Nội[25] trong một gia đình văn nghiệp. Ít lâu sau khi ông ra đời, gia đình ông dọn từ phố Mã Mây (Rue des Pavillons Noirs - phố Quân Cờ Đen) xuống phố Hàng Dầu (Rue Felloneau), Hà Nội:

"Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà năm bốn, đứng đầu... du côn!"
Cha ông là Phạm Duy Tốn, thường được coi như là nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới đầu thế kỷ XX. Anh của ông là Phạm Duy Khiêm, giáo sư – thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine.[26]

Lúc nhỏ ông là cậu bé hiếu động, tính tình "văng mạng, bất cần đời", tuy vậy lại thích diễn kịch, làm trò, và mê nhạc.[27] Ông biết dùng guitar, mandolin để chơi nhạc Tây Âu, bên cạnh đó còn tiếp thu các nhạc điệu dân ca miền Bắc, hay những bài ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Tứ Đại Cảnh…[27] Ngoài nền văn hóa mang tính nhân bản của Pháp, ông còn được tiếp xúc với văn hóa cổ truyền, qua các tác phẩm của cha Phạm Duy Tốn, hay cuốn "Tục ngữ phong dao" của người anh họ Nguyễn Văn Ngọc.[27]

Về học hành chính quy, Phạm Duy chỉ có bốn năm tiểu học và một năm trung học,[27] nhưng những bài học trong sách Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư đã in đậm trong tâm hồn ông trước khi bước vào xã hội,[27] hình thành cho ông quan niệm về "đức độ của con người Việt Nam" mà ông nhấn mạnh là "con người ở nông thôn", chứ không phải ở thành thị.[27] Ông học vỡ lòng tại trường Hàng Thùng, học Tiểu học tại trường Hàng Vôi (Trường Amiral Courbet, nay là trường Nguyễn Du). Tính ông nghịch ngợm, học không giỏi, thường hay bị phạt. Đến năm 13 tuổi (1934), vào được lớp nhất, ông mới học giỏi dần, trở thành một trong những học sinh ưu tú của lớp, nhất là môn đọc thơ tiếng Pháp.[25]

Năm 1936, sau khi thi trượt vào Trường Bưởi, ông vào học trường Trung học tư thục Thăng Long. Thầy dạy ông tại trường có Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến... Trong các bạn cùng lớp có Quang Dũng.[25] Về học lực ông đứng thứ nhì trong lớp. Một năm học trung học giúp ông hấp thụ thêm những cái hay cái đẹp của nền văn chương Pháp, của Victor Hugo, André Chenier, Alfred de Vigny, Bernadin de Saint Pierrre...[27]

Năm 1937, anh của ông là Phạm Duy Khiêm không cho ông học tại trường Thăng Long nữa mà bắt ông học nghề, vào Trường Bách Nghệ (Trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội). Trường có hai ngành là gỗ và sắt, ông học ngành sắt (nguội, tiện, rèn). Học chưa hết một niên khóa thì năm 1938 ông bị đuổi học vì đánh nhau, vi phạm kỷ luật.

Hoạt động
Năm 1938, sau khi nghỉ học, ông xin làm việc ở Hiệu sửa radio tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Cuối năm 1939 thì đi Móng Cái làm việc ở Nhà Máy điện, làm thợ rèn rồi coi lò than, sau 5 tháng bị bệnh nám phổi phải vào nhà thương chữa bệnh. Cuối tháng 5/1940 ông về Hà Nội định đầu quân làm lính thợ sang Pháp nhưng do Pháp bị thua trận nên ý định không thành.

Khoảng tháng 6/1940, nghe lời bè bạn, ông theo học dự thính hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học thầy Tô Ngọc Vân, cùng lớp với Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Võ Lăng... Tuy nhiên, ông sớm nhận ra mình không có niềm đam mê thật sự đối với hội họa.[25]

Mùa thu năm 1941 ông nghỉ học, về Hưng Yên sống với mẹ, chị tại nhà anh trai Phạm Duy Nhượng, đang làm thầy giáo tại đây. Một người anh họ xa nên là Ninh, làm nghề lục sự tại Tòa án, đã đưa ông vào làm thư ký. Sau một thời gian ông bỏ việc về làm con nuôi của Tuần phủ Lê Đình Trân, lo việc kèm học cho 2 em nhỏ. Sau ông Trân được thăng làm Tổng đốc, đi trấn nhậm tỉnh Kiến An, Phạm Duy cũng đi theo.

Năm 1943 ông đi trông coi đồn điền của gia đình Tổng đốc Lê Đình Trân tại Yên Thế, Bắc Giang. Một thời gian sau mẹ ông kêu ông về Hà Nội để tham gia Gánh hát Đức Huy đang thành lập. Gánh hát biểu diễn ra mắt tại Hải Phòng rồi Nam tiến, có lúc biểu diễn ở Campuchia.

Việc sống ở nhiều nơi, trải qua nhiều hoàn cảnh sống khác nhau cũng là những chất liệu quan trọng giúp ích cho sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy sau này. Cùng với giai đoạn lang thang vô định này, ông cũng dần nhận ra niềm đam mê âm nhạc của mình. Phạm Duy tự mày mò học nhạc cổ điển, rồi tập sáng tác. Trong cuộc đời của mình, ông chưa từng học chính quy một trường lớp âm nhạc nào.[27]

Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều (Ngô Nhật Huy). Thời kỳ hát rong, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết trong đời sống lẫn trong âm nhạc. Ngoài việc cùng Văn Cao la cà các chốn ăn chơi thì ông cũng giúp đỡ cho Văn Cao trong việc soạn nhạc, cùng Văn Cao sáng tác tác phẩm Bến xuân và Suối mơ.

Năm 1942, ông khởi nghiệp sáng tác nhạc với tác phẩm hoàn chỉnh đầu tay là "Cô hái mơ", phổ từ thơ Nguyễn Bính, trong thời kỳ phong trào Tân nhạc bắt đầu nở rộ.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chiều ngày 10 tháng 3, khi gánh hát Đức Huy đang lưu diễn ở Cà Mau, ông cùng hai người trong gánh hát bị mật thám Pháp bắt vào tù do treo cờ Nhật, nhưng đến tối thì được binh lính Nhật trả tự do.[28] Giữa năm 1945 Phạm Duy từ giã gánh hát Đức Huy đến ở nhờ nhà một người bạn tại khu Dakao (Tân Định), Sài Gòn. Ông sinh sống, đi hát tại Sài Gòn rồi gia nhập Thanh niên Tiền phong, làm công tác văn nghệ rồi vào đội Võ trang Tuyên truyền. Tháng 10/1945, sau khi quân Pháp làm chủ Sài Gòn, ông rời Tân Định ra Bắc, về Hà Nội.

Đầu năm 1946 ông tham gia một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc rồi sau đó được đưa vào miền Nam tham gia kháng chiến. Ông được đưa vào chiến khu Bà Rịa - Vũng Tàu làm công tác thông tin, liên lạc và tiếp vận. Đầu mùa Thu năm 1946 ông bị thương nhẹ ở cánh tay và được phép về Bắc. Ông ở Huế một thời gian rồi về Hà Nội khoảng cuối tháng 10/1946.

Ngày 19/12/1946 Toàn quốc kháng chiến. Ngày 20 tháng 12 ông ra Hà Đông, làm việc tại Đài Phát thanh bí mật; sau đó tham gia Đoàn Văn nghệ Giải phóng tại Sơn Tây rồi đi phục vụ văn nghệ qua Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Ông ở lại Lào Cai, cùng với Văn Cao, Ngọc Bích, làm việc tại phòng trà Quán Biên Thùy (một cơ sở tình báo). Sau đó ít lâu ông cùng Ngọc Bích đến Bắc Cạn (qua Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên) khoảng tháng 10/1947, rồi quay lại Thái Nguyên; lúc này hai ông làm việc cho Cục Chính trị, là cán bộ văn nghệ với cấp bậc đại úy. Cuối 1947 hai ông từ Thái Nguyên qua Bắc Giang, sau đó tham gia đoàn văn nghệ do Hoàng Cầm thành lập, lưu diễn tại Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn năm 1948. Sau khi không còn là văn nghệ sĩ của Cục Chính trị thì 2 người đi Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Sơn Tây về Hà Đông.

Sau khoảng 2 tháng, nghe lời Trần Văn Giàu, cả hai vào Thanh Hóa để vào Nam. Nhưng tại Thanh Hóa, Phạm Duy tham gia Đoàn Văn nghệ Quân đội Liên khu IV, trực thuộc Trung đoàn 304 (có sự tham gia của Thái Hằng). Sau khi đính hôn với Thái Hằng, Phạm Duy cùng một số nghệ sĩ đi phục vụ thực tế tại Nghệ An, Hà Tĩnh rồi Bình - Trị - Thiên (đi đường rừng, đồng bằng và quay về bằng đường biển).

Về lại Thanh Hóa năm 1949, Phạm Duy cưới Thái Hằng, người chủ trì hôn lễ là tướng Nguyễn Sơn. Sau đó cả 2 vợ chồng ra Việt Bắc (đi qua Hòa Bình, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Bắc Cạn) năm 1950, tham dự Đại hội Văn hóa Toàn quốc. Sau đó Phạm Duy và vợ từ bỏ, thoát ly khỏi các đoàn văn nghệ quân đội và quay về lại Thanh Hóa.

Ngày 1 tháng 5 năm 1951 đại gia đình Phạm Duy-Thái Hằng chia làm 3 nhóm từ Thanh Hóa "dinh tê" về Hà Nội. Ngày 9 tháng 6 năm 1951 di cư (bằng máy bay) vào Nam, sinh sống tại Sài Gòn. Cuối năm 1951, bị một số nhạc sĩ ghen tị tố cáo là có quan hệ với Việt Minh, ông cùng với Lê Thương và Trần Văn Trạch bị bắt giam ở khám Catinat, Sài Gòn trong 120 ngày.[29] Năm 1953, ông qua Pháp học dự thính hai năm về âm nhạc, tại đây, ông chơi thân với Trần Văn Khê, người sau này trở thành giáo sư dân nhạc nổi tiếng. Hai năm sau, ông về Việt Nam thì đất nước đã chia cắt sau hiệp định Genève. Từ đó, ông ở miền Nam tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong ban hợp ca Thăng Long cùng với Thái Thanh, Hoài Nam, Hoài Bắc, Hoài Trung tại phòng trà Đêm màu hồng. Thời gian này ông cũng có những hoạt động trong ngành sân khấu và thông tin đại chúng, như viết nhạc kịch, viết nhạc cho phim và cộng tác với đài Phát thanh[30].

Năm 1956, xảy ra vụ ngoại tình giữa ông và ca sĩ Khánh Ngọc, là vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và đồng thời cũng là em vợ của Phạm Duy [31], vụ việc trở thành một đề tài gây xôn xao trên các báo chí Sài Gòn và cả Hà Nội[31]. Đây là "mối tình cấm", "cả gan" luôn làm ông "buồn rầu khi phải nhắc lại" vì đã làm buồn lòng người vợ, người em vợ, và vì biết rằng những đổ vỡ kia không thể hàn gắn được"[31]. Sau vụ tai tiếng trên, ông không còn hợp tác với ban hợp ca Thăng Long nữa[32]. Trong lúc tinh thần suy sụp, ông đi vào mối tình đặc biệt với Alice, con gái của Helen – tình nhân cũ của ông. Đây là mối tình "giữa hai tâm hồn", "không đụng chạm thể xác", được xây dựng trong 10 năm và chính là nguồn cảm hứng lớn để ông viết nên nhiều tác phẩm nhạc tình giá trị, như Chỉ chừng đó thôi, Thương tình ca,...[31].

Gia đình ông chuyển đến căn nhà nhỏ ở cư xá Chu Mạnh Trinh ở ngã tư Phú Nhuận, nơi có nhiều gia đình nghệ sĩ tới ở, như gia đình Nguyễn Mạnh Côn, Năm Châu, Duyên Anh, Hồ Anh, Anh Ngọc, Trần Ngọc, Hoàng Nguyên, Minh Trang, Kim Tước[32]. Không còn hợp tác với ban Thăng Long, Phạm Duy vào làm việc ở Trung tâm Điện ảnh. Thời gian này ông hay lui tới quán Chùa (La Pagode), gặp gỡ Vũ Khắc Khoan, Cung Trầm Tưởng, Võ Đức Diên, Mặc Thu, Tạ Tỵ, Lê Ngộ Châu... Ông được Võ Đức Diên và các bạn bè giúp đỡ đi một chuyến từ Sài Gòn ra vĩ tuyến 17 để hoàn thành nốt trường ca Con đường cái quan.[32]

Thập niên 1960, sau khi Việt Nam Cộng hòa được nhiều quốc gia thân Mỹ công nhận, cùng với các bạn nghệ sĩ khác, Phạm Duy được cử đi Philippines, Nhật Bản, Thái Lan để giới thiệu văn nghệ Việt Nam. Và với ít nhiều kinh nghiệm bang giao, ông thường có mặt trong những buổi đón tiếp các phái đoàn văn nghệ nước ngoài, như đoàn vũ trống của Hàn Quốc, đoàn Moral Rearmement của Mỹ...[32] Nhờ đó, ông có dịp trao đổi tài liệu âm nhạc với các văn nghệ sĩ nước ngoài[32].

Năm 1965, ông tham gia phong trào Du ca với Nguyễn Đức Quang, Giang Châu, Ngô Mạnh Thu,... đi nhiều nơi tại miền Nam Việt Nam để phổ biến các ca khúc nói lên thân phận của tuổi trẻ thời đó[33].

Năm 1966, ông được văn phòng Giáo dục Văn hóa của Bộ Ngoại giao Mỹ mời sang nước này, tại đây ông được mời tham quan các đài truyền hình, nhạc hội, đến ở trong gia đình nghệ sĩ The Beers Family, Petersburg. Ông được đài Channel 13 với Steve Addiss và Bill Crofut, mời tham gia chương trình dân ca của Pete Seeger, nhạc sĩ phản chiến số một của Hoa Kỳ[34]. Bốn năm sau ông lại qua Hoa Kỳ lần nữa để làm cố vấn cho Bộ thông tin Hoa Kỳ để "giải độc dư luận Mỹ". Tại đây ông mới biết thêm thông tin về vụ Thảm sát Mỹ Lai, và phản ứng của ông là ca khúc ''Kể chuyện đi xa''.[34] Ông cũng hát nhiều ca khúc phản chiến tại các show truyền hình, sân khấu ở Mỹ.

Cuối thập niên 1960, ban nhạc gia đình "The Dreamers" của các con ông ra đời, ông cùng ban này đi biểu diễn tại các phòng trà, nhà hàng Sài Gòn. Đây cũng là thời gian băng Cassette thịnh hành, giúp ông có được nhiều khoản thu nhập từ tiền tác quyền, trở nên giàu có.

Từ 1970 - 1975, với nhiều diễn biến lớn diễn ra tại Việt Nam, đời sống cũng như công việc của ông cũng có nhiều bất ổn. Ngày 17 tháng 4 năm 1975, đài phát thanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cho đăng tuyên bố tử hình vắng mặt Phạm Duy và hai người khác vì thái độ chống cộng[35]. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, trước việc quân Giải phóng miền Nam vào Sài Gòn, Phạm Duy quyết định đưa gia đình di tản ra nước ngoài. Ngày 28 tháng 4, ông và vợ, hai con gái được máy bay của Mỹ đem đi [36].


Sau 30/4/1975


Trải qua nhiều khó khăn của hành trình di tản, ông và gia đình cũng ổn định, cư ngụ tại Thành phố Midway, Quận Cam, California. Thời kỳ này ông vẫn tiếp tục sáng tác, biểu diễn và tổ chức cũng như tham gia các đêm nhạc về mình.

Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký, khi hoàn tất chia làm 4 cuốn.

Năm 1999, vợ ông là bà Thái Hằng qua đời, sự kiện này khiến ông bị cao huyết áp phải đi nằm bệnh viện một thời gian dài. Sau năm này, ông quyết định thực hiện những chuyến về thăm quê hương sau 25 năm xa cách.

Tháng 5 năm 2005, ông chính thức trở về Việt Nam, mua nhà sống tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các con trai Duy Quang, Duy Cường. Tháng 7 cùng năm, lần đầu tiên kể từ năm 1975, 9 bài hát của ông được cấp phép phổ biến. Thời kỳ này ông vẫn hoạt động âm nhạc, tuy sức khỏe đã có dấu hiệu giảm sút, nhiều bệnh được phát hiện ra.

Ngày 27 tháng 1 năm 2013, sau một thời gian nằm viện, ông qua đời, một tháng sau cái chết của con cả ông là ca sĩ Duy Quang.[2] Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng và ông được an táng tại Công viên Nghĩa trang Bình Dương vào ngày 3 tháng 2 năm 2013.[2]


Gia đình


Gia đình Phạm Duy có nhiều người trong lãnh vực nghệ thuật, ngoài người cha Phạm Duy Tốn và anh trai Phạm Duy Khiêm là những nhà văn có tiếng, còn có anh thứ Phạm Duy Nhượng cũng là nhạc sĩ, tác giả ca khúc Tà áo Văn Quân. Một người anh họ của ông là học giả Nguyễn Văn Ngọc, tác giả cuốn Tục ngữ phong dao. Học giả Trần Trọng Kim từng nhận ông làm con nuôi.

Đến khi lập gia đình, ngoài vợ ông là ca sĩ Thái Hằng, còn có em vợ là danh ca Thái Thanh, anh em vợ là các nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ, ca sĩ Phạm Đình Viêm tức (Hoài Trung) của ban hợp ca Thăng Long. Ông có tám người con (Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Đức, Thái Hạnh) và các con ông được ông hướng dẫn theo nghiệp nhạc, đều có thành công trong lĩnh vực của mình: con trai cả là ca sĩ Duy Quang, rồi đến nhạc sĩ hòa âm Duy Cường, con gái là các ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo.

Ngoài ra có thể kể đến con rể của ông là ca sĩ Tuấn Ngọc (chồng của Thái Thảo), là con trai của nhạc sĩ Lữ Liên; vì thế ông và nhạc sĩ Lữ Liên là thông gia. Các cháu vợ của ông như ca sĩ Ý Lan (con gái của Thái Thanh), và Mai Hương (con gái Phạm Đình Sỹ).


Sự nghiệp


Ca sĩ

Phạm Duy bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với vai trò ca sĩ hát Tân nhạc trong gánh hát Cải lương Đức Huy - Charlot Miều. Gánh hát này đưa ông đi nhiều miền trên đất nước, giúp ông mở mang tầm mắt, ngoài ra khiến ông trở thành một nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng. Với giọng hát điêu luyện, đậm chất Việt của mình, ông đã đưa tên tuổi các nhạc sĩ như Đặng Thế Phong, Văn Cao đi khắp đất nước Việt Nam. Trong bài báo Tài Tử Phạm Duy để giới thiệu ca sĩ Phạm Duy, đăng trên tờ Revue Radio Indochine số 47, ra ngày Tết dương lịch năm 1944, Nguyễn Văn Cổn đã khắc họa:

"... Người thiếu niên này với gương mặt gầy ốm, một cặp mắt hiền từ và mơ màng sau cặp kính trắng, với cách cử chỉ khoan thai và nhã nhặn, đó là Phạm Duy(...) Có lẽ trong tiếng hát của Phạm Duy, chúng ta thấy một cái gì hơi xa xăm, buồn tủi, phải chăng đời của nghệ sĩ như đầy những sự nhớ nhung, thương tiếc, đợi chờ, mà tiếng hát Phạm Duy là tiếng lòng thổn thức (...) Mỗi lần Phạm Duy lên ca hát tại Đài Vô Tuyến là mỗi lần các thính giả xa gần đều lặng yên để thụ hưởng những sự dịu dàng trong trẻo, như thanh điệu êm ái (...) Bài Buồn tàn thu mà Phạm Duy hát lên có lẽ ai cũng nhận thấy sự cảm động của một tâm hồn mong mỏi người xa xôi (...) đưa cái bài Buồn tàn thu tới những tâm hồn mong mỏi (...)
... Nhưng nói về nghệ thuật, thì có lẽ Phạm Duy là một tài tử thứ nhất hát những bài âm nhạc cải cách với một giọng hoàn toàn Việt Nam, có nhiều tài tử cứ tưởng lầm rằng họ ca hát những âm nhạc mới, tức là phải có một giọng Âu Mỹ, thật là sai lầm (...) Phạm Duy lại còn là một nghệ sĩ rất có lương tâm nhà nghề trước khi hát, trước khi biểu diễn, Phạm Duy rất chăm chú tập dượt những bài hát (...)"[38]
Với giai đoạn này, nhạc sĩ Văn Cao gọi Phạm Duy là "kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn". Ông từng hát riêng cho vua Bảo Đại nghe trong một chuyến lưu diễn ở Phan Rang. Khi đã theo kháng chiến, với cây đàn guitar, Phạm Duy tiếp tục đem giọng hát của mình phục vụ anh em chiến sĩ, mà theo Tạ Tỵ, tiếng hát Phạm Duy lúc này "mang một âm hưởng khác, một nội dung khác, ở đó, Duy không còn là kẻ đứng ngoài hát cho người khác nghe, mà nó chính là tiếng thét oai hùng của một thế hệ thanh niên đã ý thức được vai trò của mình trong lịch sử"[39].

Thời gian khi đã vào nghề sáng tác, Phạm Duy cũng duy trì công việc ca hát của mình, một cách không đều đặn. Tiếng hát của ông từng được phát trên các đài truyền thanh, truyền hình lớn trên Nam Việt cũng như thế giới. Ông đi hát rong cùng James Durst, Pete Seeger trong các chương trình giao lưu văn hóa Việt Mỹ, hay các chương trình nhạc phản chiến, phong trào du ca. Bên cạnh đó, Phạm Duy còn tự thâu âm những băng nhạc Tục ca, Tâm ca, Vỉa hè ca, Ngục ca và trong giai đoạn đầu lưu vong ở Hải ngoại, là hát rong trong nhóm nhạc Gia đình Phạm Duy, cùng với Thái Hằng, Thái Hiền.


Lên đầu trang