Phạm Minh Chính (ngày 10 tháng 12 năm 1958)----)
Phạm Minh Chính (sinh ngày 10 tháng 12 năm 1958) là một chính trị gia người Việt Nam. Ông hiện là Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, nguyên là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh; Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.[1]
Phạm Minh Chính là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, học hàm Phó Giáo sư, học vị Kỹ sư xây dựng, Tiến sĩ Luật, Cao cấp lý luận chính trị, cấp hàm Trung tướng Công an nhân dân Việt Nam. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011, khóa XI, XII, XIII. Trong sự nghiệp của mình, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác, xuyên suốt các lĩnh vực hoạt động từ Ngoại giao Xã hội chủ nghĩa, công an nhân dân, giáo dục luật học, tham gia phương diện chính trị địa phương cho đến trung ương trước khi trở thành lãnh đạo hành pháp của Chính phủ Việt Nam của thời kỳ mới.
Phạm Minh Chính sinh ngày 10 tháng 12 năm 1958 tại xóm Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình có tám anh, chị em. Cha ông là cán bộ công chức địa phương, mẹ làm ruộng.[2] Năm 1963, ông theo gia đình về xây dựng Vùng Kinh tế mới tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Thuở nhỏ, ông theo học trung học tại Trường Phổ thông Trung học Cẩm Thủy,[Ghi chú 1] tỉnh Thanh Hóa.[3]
Sau khi tốt nghiệp Trung học năm 1975, ông theo học dự bị Ngoại ngữ tại Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội). Năm 1976, ông được cử làm lưu học sinh tại Bucharest, România, trong thời kỳ nước Đông Âu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Romania. Ông học tiếng Romania và nhập học chuyên ngành Xây dựng tại Đại học Xây dựng Bucharest (UTCB), đến năm 1984, ông tốt nghiệp Kỹ sư Xây dựng. Năm 2000, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Luật. Ngày 09 tháng 3 năm 2010, được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành Luật.[4]
Phạm Minh Chính được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 25 tháng 12 năm 1986, trở thành đảng viên chính thức vào ngày 25 tháng 12 năm 1987. Trong quá trình hoạt động Đảng và Nhà nước, ông theo học các khóa tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận bằng Cao cấp lý luận chính trị.[5]
Năm 1984, Phạm Minh Chính tốt nghiệp đại học ở Romania, trở về nước, bắt đầu sự nghiệp của mình. Ông được phân công làm Nghiên cứu viên Khoa học tại Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật, Bộ Nội vụ.[Ghi chú 2] Đến năm 1989, ông được điều động sang công tác tại Bộ Ngoại giao, làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Romania.[6] Đây là thời điểm mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Romania và cả xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ông công tác ở Đại sứ quán với nhiệm vụ trực tiếp xem xét, đánh giá sự biến chuyển của các nước Đông Âu, phục vụ cho đường lối của Việt Nam trong thời kỳ này.[5]
Năm 1996, ông được điều trở lại Việt Nam, công tác tại Bộ Nội vụ, chuyển thể thành Bộ Công an năm 1998. Ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Thư ký Tổng hợp Văn phòng Bộ Công an; Phó Cục trưởng phụ trách Cục rồi Cục trưởng Cục Tình báo Kinh tế và Khoa học kỹ thuật Bộ Công an. Năm 2006, Phạm Minh Chính được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Những năm này, ông còn kiêm nhiệm vị trí Chuyên viên Cấp cao Văn phòng Chính phủ[cần dẫn nguồn], là giảng viên đại học, giảng dạy tại các trường công an như Học viện Tình báo, Học viện An ninh nhân dân[cần dẫn nguồn
Ngày 25 tháng 4 năm 2007, Phạm Minh Chính được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phong quân hàm Thiếu tướng Công an nhân dân.[7] Đến tháng 12 năm 2009, ông được Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh giao nhiệm vụ Phụ trách Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an. Ngày 03 tháng 2 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an.[8] Trong cùng năm, ngày 16 tháng 7 năm 2010, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăng cấp bậc hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng Công an nhân dân Việt Nam. Phạm Minh Chính có lịch sử thăng cấp hàm bậc tướng Thiếu tướng, Trung tướng đều cùng các đợt với Tô Lâm. Ngày 12 tháng 8 năm 2010, ông được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam.[9]
Ngày 18 tháng 1 năm 2011, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, Phạm Minh Chính được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI nhiệm kì 2011 – 2016.[10][11]
Ngày 8 tháng 8 năm 2011, ông được Bộ Chính trị điều chuyển về công tác ở tỉnh Quảng Ninh, miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Đảng ủy Quân khu 3 - Bộ Quốc phòng, kế nhiệm Vũ Đức Đam.[12]
Ông lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh những năm 2011 – 2015, mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh vùng biển. Trong giai đoạn này, ông là người tiên phong đề ra định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh của tỉnh Quảng Ninh. Định hướng này được xem là đã mang lại nhiều thành công trong chiến lược phát triển, góp phần giúp Quảng Ninh thay đổi diện mạo nhanh chóng, địa phương tự xây dựng được 200 km đường cao tốc[13], đặc biệt đã làm giảm mạnh tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác than.[14]
Phạm Minh Chính trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016 – 2021 từ tỉnh Quảng Ninh vào ngày 22 tháng 5 năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 01 tỉnh Quảng Ninh gồm thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, được 321.908 phiếu, đạt tỷ lệ 91,64% số phiếu hợp lệ.[15] Ông lần đầu được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu ứng cử và đã trúng cử, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.[Ghi chú 3]
Trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV vào năm 2021, Phạm Minh Chính được Trung ương Đảng giới thiệu làm ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại thành phố Cần Thơ. Trong quá trình chuẩn bị bầu cử, ông cùng các ứng cử viên đã tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 01 của thành phố Cần Thơ, tiến hành trình bày chương trình hành động theo luật định.[16] Kỳ bầu cử diễn ra này 23 tháng 5 năm 2021, ông đã trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV nhiệm kì 2021 – 2026 từ thành phố Cần Thơ với 335.484 phiếu, đạt tỷ lệ 98,74% số phiếu hợp lệ trúng cử.[17]
Ngày 09 tháng 4 năm 2015, Phạm Minh Chính được Bộ Chính trị điều động về công tác ở Trung ương, phân công giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 26 tháng 1 năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.[18] Ngày 27 tháng 1 năm 2016, ông được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bầu vào Bộ Chính trị Trung ương, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.[19] Ngày 4 tháng 2 năm 2016, ông được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[20][21] Ngày 05 tháng 2 năm 2016, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng tiểu Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[22]
Phạm Minh Chính cũng là Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản của Quốc hội khóa XIV. Ngày 20 tháng 1 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định bổ nhiệm ông làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đặc khu kinh tế Việt Nam. Đến ngày 06 tháng 10 năm 2018, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám, khóa XII, Phạm Minh Chính được phân công làm Trưởng Tiểu ban Điều lệ Đảng để chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 30 tháng 1 năm 2021, tại phiên bầu cử Trung ương, ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII.[23] Ngày 31, tại phiên họp đầu tiên của Trung ương Đảng khóa XIII, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.[24] Đến ngày 08 tháng 4 năm 2021, sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, ông được thôi chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, được kế nhiệm bởi Trương Thị Mai.[25] tháng 6 năm 2021, trong nhiệm kỳ mới, ông được phân công thêm các vị trí là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương,[26] Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.[27]
Trong giai đoạn đảm nhiệm chức vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phạm Minh Chính phụ trách chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ, bố trí nhân sự của hệ thống chính trị; đồng thời là lãnh đạo chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên của Trung ương.[28] Ở trong nước, ông chỉ huy nhân sự nội bộ Đảng, điều động, bổ nhiệm, điều chuyển, xây dựng các chức trách cấp cao của cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại 63 tỉnh thành[cần dẫn nguồn]. Giai đoạn 2020 – 2021 trong chu kỳ Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh khóa 2020 – 2025 ở 63 tỉnh thành, ông thường đại diện cho Trung ương Đảng tham gia các kỳ đại hội địa phương, chỉ đạo hoạt động cấp tỉnh.[29]
Bên cạnh đó, Phạm Minh Chính còn phụ trách vấn đề ngoại giao, bao gồm đại diện Trung ương Đảng sang thăm nước ngoài; tiếp đón một số lãnh đạo nước ngoài sang thăm Việt Nam. Đầu năm 2018, ông tới thủ phủ Bắc Kinh thăm Trung Quốc, gặp gỡ Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Ủy ban Kiểm Kỷ, lãnh đạo cấp quốc gia thứ sáu của Trung Quốc Triệu Lạc Tế, hội đàm với Thành ủy Bắc Kinh các vấn đề liên quan tới đối tác giữa hai nước.[30] Ông đã hai lần đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản là Abe Shinzō năm 2017 hai chiều trong và ngoài nước,[31][32] cùng với đón tiếp Suga Yoshihide năm 2020 sang thăm Việt Nam.[33]
Đầu năm 2021, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII diễn ra. Trước và trong kỳ đại hội, báo chí nước ngoài cho rằng Phạm Minh Chính có nhiều khả năng sẽ là Thủ tướng mới của Việt Nam sau Đại hội Đảng khóa XIII.[34][35][36] Giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2021, sau Đại hội Đảng Cộng sản, Việt Nam tiếp tục các hoạt động cho chuỗi sự kiện Hội nghị hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc, chuẩn bị cho Quốc hội khóa XV. Ngày 18 tháng 3 năm 2021, Phạm Minh Chính được giới thiệu tham gia khối ứng cử Đại biểu Quốc hội thuộc Chính phủ tại kỳ họp thứ hai của Hội nghị Hiệp thương, chuẩn bị vị trí công tác, nhiệm vụ mới ở Chính phủ Việt Nam khóa XV.[37]
Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng
Ngày 03 tháng 4 năm 2021, với thống nhất từ Trung ương Đảng Cộng sản, Phạm Minh Chính được đề cử làm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Chiều ngày 05 tháng 4 năm 2021: tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, với số phiếu 462/466, đạt tỷ lệ 96,25% chiếm đa số phiếu, ông được bầu làm Thủ tướng Việt Nam và là Thủ tướng thứ tám của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[38] Vào lúc 16 giờ, ông tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, phát biểu về đường lối, định hướng lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ mới tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội.[39] Đến chiều ngày 08 tháng 4 năm 2021 trong cùng kỳ họp thứ 11, với tổng số 444/444 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 92,50% tính trên tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn ông kiêm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Việt Nam.[40] Ông là người đầu tiên kể từ năm 1945 chưa từng giữ bất kỳ chức vụ nào trong Chính phủ và cũng là Tướng lĩnh Công an Nhân dân Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ này.
Ngày 26 tháng 7 năm 2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ông được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 96,99% (484/484 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 499 đại biểu).[41]
Chiều ngày 28 tháng 7 năm 2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, với tổng số 470/470 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 94,19% tính trên tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn ông kiêm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Việt Nam.
Ngày 10 tháng 11 năm 2021, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đỗ Ngọc Huỳnh, trợ lý cũ của thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục làm trợ lý cho ông Phạm Minh Chính nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài ra, còn có một trợ lí khác là Dương Mộng Huyền, đã làm trợ lí từ khi ông Chính còn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương.[42]